Saturday, 27/07/2024 | 13:50
Chào mừng các bạn đến với Trang thông tin điện tử xã Xuân Mỹ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân

Bộ quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân

Thứ sáu - 19/05/2023 10:07
Bộ quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân

Bộ quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân

Cỡ chữ   
Với mục đích xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức để xây dựng huyện Nghi Xuân văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Nghi Xuân, UBND huyện đã xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh của người dân trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Cổng TTĐT huyện xin được giới thiệu tới quý độc giả toàn bộ bộ quy tắc này.

 

CHƯƠNG 1: MỤC ĐÍCH, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

Điều 1. Mục đích

Xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, tổ chức để xây dựng huyện Nghi Xuân văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Nghi Xuân cho hôm nay và mai sau.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.  Phạm vi điều chỉnh của Bộ quy tắc ứng xử

- Ứng xử trong gia đình;

- Ứng xử trong cộng đồng, nơi công cộng.

2. Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc ứng xử:

Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, học tập, lao động và làm việc trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

CHƯƠNG 2: QUY TẮC ỨNG XỬ CHUNG

Điều 3. Thượng tôn pháp luật

1. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

2. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn.

3. Tuân thủ nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương,...

Điều 4. Tôn trọng bản thân và người khác

1. Luôn là người tự trọng.

2. Luôn biết nói lời “xin chào” ,“xin cảm ơn”, “xin lỗi”, “xin phép” .

3. Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

4. Trang phục, ngôn ngữ, thái độ đúng mực và phù hợp hoàn cảnh.

5. Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác.

6. Tôn trọng sự khác biệt và tự do cá nhân theo quy định của pháp luật.

7. Không phân biệt, miệt thị, vùng miền, tôn giáo, giới tính, người khuyết tật, xuất thân, giàu, nghèo...

Điều 5. Tôn trọng và bảo vệ môi trường

1. Bảo vệ môi trường vì mình và vì thế hệ tương lai.

2. Giữ gìn và xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

3. Sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

4. Sử dụng sản phẩm, phương tiện thân thiện với môi trường.

5. Không gây ô nhiễm môi trường bằng khói bụi, khí độc, nguồn nước, mùi khó chịu, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng.

Điều 6. Thân thiện, văn minh, lịch sự

1. Luôn lắng nghe, luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, thấu hiểu và chia sẻ với người khác.

2. Sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác khi cần thiết.

3. Bình tĩnh, kiên nhẫn giải quyết bất đồng và mâu thuẫn.

Điều 7. Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng

1. Chăm sóc bản thân; tích cực tập thể dục, thể thao.

2. Không ngừng học tập nâng cao kiến thức và hiểu biết của bản thân.

3. Thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

4. Không sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan; Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. 

5. Giữ gìn, phát huy giá trị di sản truyền thống, văn hóa của gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước.

6. Luôn ưu tiên, giúp đỡ người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ, người yếu thế.

7. Thẳng thắn, công khai, xây dựng khi góp ý kiến.

A. QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH

Điều 8. Ứng xử vợ chồng

1. Đối tượng áp dụng: Vợ chồng được pháp luật công nhận theo Luật hôn nhân và gia đình.

2. Nội dung ứng xử cụ thể:

a) Sống nghĩa tình, hòa thuận, thủy chung, trước sau như một.

b) Bình đẳng, chia sẻ, lắng nghe, cùng nhau thảo luận những vấn đề chung, cùng có trách nhiệm trong công việc và nuôi dạy con cái.

c) Chăm sóc nhau; cùng có trách nhiệm trong nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình;

Điều 9. Ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: 

1. Đối tượng áp dụng:

a).  Cha mẹ bao gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng;

b)  Ông bà bao gồm: ông ba nội, ông bà ngoại.

2. Nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể:

a) Cha mẹ, ông bà là tấm gương tốt cho con cháu trong mọi cử chỉ, lời nói, hành động.

b) Quan tâm nuôi, dạy, chăm sóc khi con cháu còn nhỏ; trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu.

c) Không phân biệt đối xử, bỏ rơi, ngược đãi, bạo hành con cháu. 

d) Giáo dục, động viên con cháu, giữ gìn nề nếp, gia phong của gia đình, dòng họ.

Điều 10. Ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: 

1. Đối tượng áp dụng:

a) Con bao gồm: con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể.

b)  Cháu bao gồm: cháu nội, cháu ngoại.

2. Nội dung tiêu chí ứng xử cụ thể:

a) Con, cháu có lời nói, cử chỉ, hành động thể hiện sự kính trọng, biết ơn, giúp đỡ cha mẹ, ông bà;

b) Không bỏ rơi, ngược đãi, bạo hành ông bà, cha mẹ.

c) Có trách nhiệm chăm sóc, động viên, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ.

d) Giúp đỡ ông bà, cha mẹ trong công việc của gia đình phù hợp với khả năng và độ tuổi.

Điều 11. Ứng xử của anh, chị, em với nhau

1. Đối tượng áp dụng: Anh, chị, em cùng cha mẹ; anh, chị, em cùng cha khác mẹ; anh, chị, em cùng mẹ khác cha; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.

2. Nội dung ứng xử cụ thể:

a) Tôn trọng, yêu thương, hòa thuận, có trách nhiệm trong giải quyết công việc gia đình.

b) Nhường nhịn, bảo nhau điều hay, lẽ phải; anh chị bao dung với em, em kính trọng anh chị.

c) Cùng chia sẻ với nhau tình cảm hoặc vật chất lúc vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

B. QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG CỘNG ĐỒNG

Điều 12. Nên làm

1. Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; nội quy, quy tắc nơi công cộng.

2. Ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự tôn trọng không gian chung của cộng đồng.

3. Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh.

4. Bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo vệ của công.

5. Giữ gìn vệ sinh, bỏ rác vào thùng rác, nhắc nhở người khác bỏ rác đúng chỗ.

6. Quan tâm, nhường nhịn, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em.

7. Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của vùng, miền.

8. Đấu tranh, bảo vệ lẽ phải; phê phán hành vi sai trái, có tinh thần tương thân tương ái, báo với cơ quan nhà nước gần nhất khi phát hiện những hành vi gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phá hoại môi trường....

9. Xếp hàng khi sử dụng các dịch vụ nơi công cộng;

10. Có thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tham gia giao thông.

11. Ứng xử văn hoá khi có va chạm trên đường và cùng hợp tác xử lý.

12. Sử dụng bao bì, túi đựng thân thiện với môi trường.

13. Đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

14. Thể hiện tình cảm đúng chuẩn mực tại nơi công cộng.

15. Mua, bán hàng đúng nơi quy định.

16. Giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá lịch sử, là tấm gương sáng để thế hệ mai sau noi theo.

Điều 13. Không nên làm:

1. Vi phạm nội quy, quy tắc nơi công cộng.

2. Tự tiện sử dụng phương tiện, công trình công cộng vào mục đích cá nhân không đúng quy định.

3. Phá hoại cảnh quan, viết, vẽ bậy, bôi bẩn, treo đặt, dán quảng cáo lên các công trình công cộng.

4. Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, để vật liệu xây dựng, dựng rạp…Lấn, chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông.

5. Chen lấn, xô đẩy, tranh giành khách, nâng giá hàng hóa, dịch vụ, nói sai thông tin hàng hoá, cân đong gian dối, mua bán hàng hoá kém chất lượng, động hại.

6. Nói tục, chửi bậy, say rượu bia, chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.

7. Kích động, đe dọa, sử dụng vũ khí, gây nguy hiểm, độc hại, mang phương tiện, chất gây cháy, nổ trái phép.

8. Hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế, xả rác thải không đúng nơi quy định.

9. Thả rông vật nuôi gây nguy hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng.

10. Ăn uống, ngủ, đun nấu, tổ chức các hoạt động trái quy định tại nơi công cộng.

11. Ủng hộ mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, xâm hại lợi ích của tập thể cá nhân, xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo.

12. Mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây  phản cảm.

CHƯƠNG 3: TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

1. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nghi Xuân là cơ quan thường trực chủ trì triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện phổ biến, quán triệt và tổ chức tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử này trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

3. Trung tâm Văn hóa – Truyền thông, Cổng thông tin điện tử, các cơ quan thông tấn, báo chí thường trú trên địa bàn huyện; UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bộ Quy tắc ứng xử tới cán bộ, nhân dân trong toàn huyện để biết và cùng giám sát việc thực hiện; phát hiện, động viên những tập thể và cá nhân thực hiện tốt; phê phán các tập thể, cá nhân vi phạm.

4. Các tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc, công tác, học tập, tham quan, du lịch trên địa bàn huyện Nghi Xuân ngoài việc chấp hành các quy định của Pháp luật có trách nhiệm thực hiện bộ Quy tắc ứng xử này.

5. Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì nghiên cứu, lồng ghép các nội dung bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn huyện trong việc giảng dạy, tuyên truyền cho các em học sinh học tập trên địa bàn huyện Nghi Xuân.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện tổ chức, vận động, tuyên truyền, khuyến khích, kiểm tra, giám sát đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử này.

Điều 15. Khen thưởng, kỷ luật

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử này sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định.

2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại bộ Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Điều khoản thi hành

Bộ Quy tắc ứng xử văn minh trên địa bàn huyện Nghi Xuân được phổ biến trong Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn huyện Nghi Xuân. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc có những nội dung chưa phù hợp thực tế, phản ánh về Phòng Văn hóa và Thông tin để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp.

 

                                                UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN


Liên kết Liên kết

Thống kê trong ngày Thống kê trong ngày

Đang online : 0
Tất cả : 2.205

Sự kiện Sự kiện